Bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước ở trẻ em

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh xảy ra 120 vụ tai nạn thương tích, làm 33 em tử vong, trong đó 24 vụ tai nạn đuối nước làm 28 em tử vong; 02 vụ tai nạn giao thông làm 02 em tử vong; 02 vụ với 02 em tử vong bị bệnh dại; 01 vụ 01 em tử vong vì tự tử, trẻ em tử vong do đuối nước chiếm 84,8% số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.

Để tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt do cháy, nổ, đuối nước, giao thông, bệnh dại,… Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị thực hiện các nội dung như sau:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của các cấp như: Kế hoạch số 599/KH-UBND ngày 30/8/2021 triển khai thực hiện Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030; Khai thác và sử dụng có hiệu quả bộ tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh được ban hành tại Quyết định số 966/QĐ-BGDĐT ngày 05/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tăng cường triển khai các nội dung được chỉ đạo tại Công văn 608/SGDĐT-GDTXCTTT ngày 14/4/2023; Công văn 760/SGDĐT-GDTXCTTT ngày 08/5/2023; Công văn 1858/SGDĐT-GDTXCTTT ngày 05/10/2023 của Sở GDĐT về nội dung thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng nguy hiểm và khắc phục để phòng, ngừa tai nạn, thương tích đặc biệt là tai nạn thương tích trẻ em do cháy, nổ, đuối nước, giao thông, bệnh dại. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn tại Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Tăng cường truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, gia đình và học sinh về tạo lập môi trường sống an toàn, phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em. Biểu dương, nhân rộng những tấm gương, điển hình cá nhân, tập thể thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, của phụ huynh học sinh và cộng đồng trong việc phát hiện, giám sát, gia cố, cải tạo sửa chữa các công trình, vị trí có nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em.