Những nội dung cơ bản của Luật Đường bộ số 35/2024/QH15
Lượt xem:
Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (sau đây gọi là Luật Đường bộ năm 2024), thay thế Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 44/2019/QH14. Luật gồm 06 Chương, 86 Điều tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đường bộ và tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính. Đối với các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện và phương tiện tham gia giao thông đường bộ đã đưa vào điều chỉnh trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật gồm các nội dung sau đây:
Chương I. Quy định chung gồm 07 Điều (từ Điều 1 đến Điều 7);
Chương II. Kết cấu hạ tầng đường bộ gồm 36 Điều (từ Điều 8 đến Điều 43);
Chương III. Đường bộ cao tốc gồm 12 Điều (từ Điều 44 đến Điều 55). Đây là 01 Chương mới và đặc biệt quan trọng quy định cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường cao tốc, tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển đường cao tốc;
Chương IV. Vận tải đường bộ gồm 25 Điều (từ Điều 56 đến Điều 80);
Chương V. Quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ gồm 03 Điều (từ Điều 81 đến Điều 83): Quy định rõ các nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 81). Sửa đổi quy định về thanh tra đường bộ, theo đó thanh tra đường bộ có nhiệm vụ sau đây: Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ tại đơn vị vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đơn vị thực hiện dịch vụ hỗ trợ vận tải; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, trừ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe của lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Chương VI. Điều khoản thi hành gồm 03 Điều (Điều 84 đến Điều 86). So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện (Điều 86) và bổ sung mới 01 điều để sửa đổi, bổ sung Luật Phí và lệ phí, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Điện lực (Điều 84).
https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2024/9/35-2024-qh15.pdf