Phòng cháy, chữa cháy pin lithium – ion sử dụng trên các phương tiện giao thông
Lượt xem:
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chạy đua phát triển xe điện và năng lượng tái tạo nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, cân bằng và bền vững hơn, nhu cầu về lithium – nguyên liệu được mệnh danh là “dầu trắng”- cũng tăng vọt. Lithium là thành phần quan trọng nhất tạo nên các loại pin sạc. Nó không chỉ được tìm thấy bên trong các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đồ gia dụng, mà xe ô tô, máy bay hay các thiết bị tinh vi trên tàu vũ trụ cũng sử dụng loại pin này. Các tập đoàn hàng không lớn cũng chú ý đến việc phát triển những máy bay điện thay vì dùng nhiên liệu lỏng như hiện nay. Chính vì vậy, ngành công nghiệp pin lithium-ion đang ngày càng phát triển mạnh và được dự đoán có thể vượt mốc 92 tỷ USD vào năm 2024.
Nguy cơ cháy pin Lithium ion
Lithium là thành phần quan trọng nhất tạo nên các loại pin sạc. Nếu được bảo quản và vận hành trong điều kiện khuyến cáo của nhà sản xuất, tỷ lệ lỗi của pin Lithium-ion được ước tính là 1 trên 40 triệu. Tuy nhiên, trong thực tế các yếu tố như sạc quá mức, ảnh hưởng của nguồn nhiệt từ bên ngoài hoặc các tác động cơ học… (các yếu tố tác động gây cháy nổ) làm tăng đáng kể xác suất lỗi này. Mặc dù nhiều giải pháp an toàn khác nhau đã được tích hợp vào các pin Lithium thương mại, vẫn có rất nhiều sự cố cháy nổ đã xảy ra, chẳng hạn vụ cháy taxi điện tại Hàng Châu, Trung Quốc năm 2011; vụ tự bốc cháy của 6 xe ô tô điện Tesla năm 2013; ba vụ cháy Boeing 747 trong năm 2013 và 2014 và năm 2018 xảy ra vụ cháy tại hệ thống lưu trữ năng lượng 4MW/12MWh tại Hàn Quốc. Ban đầu 1 pin lithium-ion tự bốc cháy và lan ra hơn 3.500 pin khác. Đó là chưa kể vô vàn các vụ điện thoại thông minh và máy tính bảng, máy tính xách tay tự phát nổ.
Khuyến cáo
Để hạn chế tối đa việc cháy, nổ của pin lithium-ion, người dân cần lưu ý một số vấn đề sau: Sử dụng pin lithium-ion của các nhà sản xuất uy tín, đáng tin cậy; đảm bảo sạc pin bằng bộ sạc đi kèm với thiết bị, tuân thủ các khuyến nghị của nhà sản xuất; không cho pin tiếp xúc với nước, bảo quản pin trong một khu vực an toàn; tránh để pin ở nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao. Đặc biệt, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời; Khi phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, phải ngưng sử dụng, tháo nguồn, đặt pin tránh xa các vật dụng dễ bắt lửa và mang đến trung tâm bảo hành để kiểm tra.
Nguy cơ cháy nổ khi sử dụng pin lithium là một vấn đề cần được chú ý, đặc biệt khi số lượng sản phẩm sử dụng pin lithium ngày càng tăng. Việc tuân thủ các lưu ý và hướng dẫn an toàn là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn khi sử dụng sản phẩm có pin sạc lithium.
Phạm Trần Hữu Hoàng, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CA tỉnh Bình Thuận